Thứ Tư, 6 tháng 6, 2012

Đảo chìm mến khách


Trong 21 hòn đảo Việt Nam đang thực hiện chủ quyền trên quần đảo Trường Sa có đến 12 đảo chìm. Không bãi cát dài, không bóng cây xanh, giữa mênh mông sóng nước, đá và san hô, đảo chìm chỉ có các ngôi nhà nhỏ, những khay rau xinh những lính đảo mang trên mình nhiều trọng trách.

< Đảo chìm Đá Lớn A đưa ca nô sang tàu đón khách.

Có lẽ vì không gian và thời gian eo hẹp nên mỗi lần đến đảo chìm, lòng tôi đột nhiên ấm lại, tim đập nhanh hơn để rồi làm gì cũng vội. Vội cả những câu thăm hỏi, những cái nắm tay, để rồi khi kẻ ở người đi, cảm giác thương nhớ lại dâng trào trong tôi.

“Đặc sản” thết khách

Khi triều lên, đảo chìm mênh mông nước, chỉ còn những ngôi nhà vững vàng giữa đại dương. Vậy nên, nước ngọt ở đây quý như vàng. Ngoài chuyện tiết kiệm, lính đảo còn sáng tạo nhiều cách để tái chế nước ngọt.

< Đảo chìm Đá Lớn A.

Thiếu úy Trần Xuân Hoàng ở đảo Cô Lin chỉ một bình nước khoáng loại 21 lít chứa gần đầy cát, vòi gắn một ống nhựa, khoe: “Đó là “máy lọc nước” của lính đảo chìm. Nước rửa rau, rửa tay, rửa mặt sẽ được đổ vào bình lọc này để tái sử dụng”.

Để chứng minh, anh lấy một thau nước đục đổ vào “máy lọc”. Một phút sau, những giọt nước trong vắt chảy ra, có thể dùng rửa rau, rửa chén, thậm chí rửa mặt. Thiếu úy Hoàng giải thích: “Cái khó là cát, phải đem từ đất liền ra. Cát ở đây hạt rất to, không lọc sạch nước được”.

< Các chiến sĩ đảo chìm Cô Lin chuẩn bị cho xuồng của khách cập cầu tàu. 

Nhớ hôm đến đảo chìm Đá Lớn, vừa bước chân lên cầu tàu, đập ngay vào mắt chúng tôi là 2 thau nước ngọt trong vắt đặt cạnh bậc tam cấp, kế bên là 2 cục xà phòng, 2 chiếc khăn xếp ngay ngắn. Thấy tôi tần ngần, một anh lính hải quân ân cần: “Chị đi đường có mệt không? Nắng gắt quá, chị rửa tay, rửa mặt cho mát”.

< Dù nước ngọt rất quý nhưng ở Trường Sa, khách đến thăm đảo nào cũng có những thau nước để rửa mặt, rửa tay.

Đã từng nghe chuyện nước ngọt quý như vàng ở Trường Sa nên khi nhúng đôi tay vào thau nước mát, tôi không kìm được xúc động. Anh lính đảo cười, hàm răng trắng lóa: “Đi biển rít lắm, phải có nước sạch cho khách rửa tay, rửa mặt cho thoải mái. Đến đảo nào ở Trường Sa cũng vậy thôi, đó là quy định”.

Đúng như lời anh, ở 8 hòn đảo chìm mà chúng tôi ghé qua, không nơi nào thiếu những thau nước ngọt trong vắt.

< Không chỉ có nước ngọt, các anh lính đảo chìm còn chu đáo chuẩn bị những chiếc khăn xinh để khách lau tay.

Chia sẻ cảm xúc với chúng tôi, đại tá Đặng Minh Hải, Phó Chủ nhiệm chính trị Quân chủng Hải quân, cho biết: “Điều đó xuất phát từ truyền thống hiếu khách của người Việt, khách đến nhà thì phải tiếp đãi chu đáo, đem quà quý ra thết. Ở Trường Sa, quý nhất là nước ngọt. Nước ngọt để khách rửa tay không chỉ là quy định mà còn là “đặc sản” của đảo, là tấm lòng của các chiến sĩ dành cho khách”.

Chăm rau như chăm con

< Lính đảo chìm quý rau như vàng, ngọc. 

Ở Trường Sa có một nghịch lý là đầu năm thì thiếu nước, còn cuối năm lại thiếu rau. Nếu nước được ví như vàng thì rau xanh ở đảo chìm chẳng khác nào ngọc quý, chỉ để “trang điểm” cho bữa cơm của chiến sĩ. Trên đảo chìm, không gian nhỏ hẹp, lại không có đất nên hạt giống, phân bón, đất, khay... phục vụ cho việc trồng rau đều mang từ đất liền ra. Xung quanh nhà, chỗ nào có thể cơi nới, khoanh lại là rau mọc lên.

Trung úy Nguyễn Đức Hà, phụ trách lái xuồng máy ở đảo Đá Lớn, cho biết được mệnh danh là quần đảo bão tố, mỗi năm, Trường Sa có đến 131 ngày bão với gió mạnh từ cấp 6 trở lên. Rồi biển động với những con sóng bạc đầu, liếm qua các vườn rau, nếu không bứng gốc thì cũng làm cây còi cọc vì nhiễm mặn.

< Chăm sóc rau trên đảo chìm Đá Lớn A.

Vì vậy, vào mùa mưa bão trên đảo chìm, để bảo đảm bữa ăn hằng ngày có rau xanh, các chiến sĩ phải tận dụng mọi phương tiện để che chắn cho rau. Nếu không, cứ gặp mưa bão là họ phải “bế” các khay rau chạy ra, chạy vào. Chăm như chăm con nên rau cũng không phụ lòng lính đảo. Ở hầu hết các đảo chìm chúng tôi ghé thăm, dù điều kiện gieo trồng khó khăn nhưng rau phát triển xanh tốt lạ thường.

< Vườn rau với những dây mồng tơi xanh tốt ở đảo chìm Cô Lin. 

Tôi không khỏi ngỡ ngàng khi thấy luống mồng tơi ở đảo Cô Lin với những chiếc lá to gần 3 bàn tay. Vậy mà lính đảo cho biết khoảng một tuần nữa, nhiều lá sẽ to bằng chiếc mũ cối, chỉ cần 3-5 lá là đủ một nồi canh cho cả đảo. “Chúng tôi cũng chăm rau bình thường như trong đất liền nhưng không hiểu sao lá cứ to như vậy. Có thể nó được nhiều người cùng cưng chiều, nâng niu nên không nỡ phụ công” - thiếu úy Trần Xuân Hoàng dí dỏm.

< Tiễn khách ở đảo chìm Đá Lát.

Mồng tơi ở đất liền thường nấu canh với cua, còn ở Trường Sa được thay bằng còng. “Chiều chiều, đợi nước triều rút, xong việc, một số anh em lại đi bắt còng. Còng ở đây là còng đá, to bằng 3 ngón tay, ngọt hơn cua rất nhiều, nấu với mồng tơi ngon lắm” - thiếu úy Hoàng hào hứng.

Thiếu úy Hoàng cho biết nhìn đâu trên đảo cũng thấy rau nhưng thật ra chẳng thấm gì so với nhu cầu của các chiến sĩ. “Ở đây, chúng tôi chỉ dám dùng rau để nấu canh, còn chuyện luộc hay xào thì nằm mơ thôi…” - anh tiết lộ. Câu nói bỏ lửng của người lính đảo chìm làm tôi nghẹn ngào. Để rồi khi về đất liền, trong bữa cơm đầu tiên sau nhiều ngày lênh đênh trên sóng nước, gắp đũa rau muống luộc xanh rờn vào bát cơm trắng, tôi bỗng thấy mắt mình rưng rưng…

Trồng rau muống “siêu tốc”

Trong chuyến công tác đến Trường Sa, đại diện ĐH Quốc gia TPHCM mang 21 kg hạt rau muống, phân bón và 2 hệ thống trồng rau mầm trong nhà tặng 2 điểm đảo chìm Đá Lớn A và Đá Tây A. Hệ thống này gọn, nhẹ, có thể trồng trong nhà bằng đèn neon nhưng rau vẫn sinh trưởng nhanh.

< Ông Phạm Tấn Trường (áo đỏ, bìa phải) đang hướng dẫn các chiến sĩ trên đảo chìm Đá Lớn A cách trồng rau muống "siêu tốc".

“Vào mùa mưa, rau ở đảo chìm hầu như không phát triển được vì sóng to, gió lớn. Hệ thống trồng rau mầm này sẽ giúp các chiến sĩ trồng ngay trong nhà. Chúng tôi chọn rau muống vì thời gian sinh trưởng nhanh và chất dinh dưỡng cao.
Chỉ sau 10 ngày gieo hạt, rau sẽ cao khoảng 15 cm, có thể dùng được” - ông Phạm Tấn Trường, giáo viên sinh học Trường Phổ thông Năng khiếu - ĐH Quốc gia TPHCM, giải thích.

Du lịch, GO! - Theo Nguoilaodong

Link to full article

1 nhận xét:

Bài đăng phổ biến