Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

H12 - Đoạn kết một chuyến đi...

(Tiếp theo và hết)
Rời bãi đá Hòn Rơm, bọn mình trở ra thị tứ Long Sơn và ghé lại cái quán bánh canh mà trong chuyến trước trước kia đã từng ăn một lần.

Ngày tái ngộ: dù vẫn là quán vỉa hè nhưng thay đổi hết từ bàn ghế, bạt che (trước không có), tủ chạn... và thay luôn cả giá - 35k cho 2 tô tương tự thuở 10k/tô xưa.

< Bình minh sáng hôm sau trên con đường TL706B.

Phố ăn uống về đêm đối diện chợ Mũi Né cũng ghé luôn: trứng vịt lộn, chè đá... và màn cuối là nhâm nhi ly cà phê thơm nồng ở quán Quyên Sương đối diện bùng binh. Quán và cà phê vẫn như thuở nào, giá 8k/ly phê đá (lên 1k) - duy chỉ có cô bưng bê thật có duyên ngày não ngày nao không còn, hỏi ra mới biết cô nàng đi lấy chồng - Vậy là "ván đã đóng thuyền".

< Mũi Né thân thương, Mũi Né đẹp và vẫn còn nhiều chốn mà bọn mình muốn ghé nhưng chưa có dịp...

Bình minh, thời gian trôi nhanh. Thấm thoát cũng đã là đầu ngày thứ 4, ngày bọn mình phải về. Nếu không có vụ phải ghé Gia Ray đóng phạt thì chắc chắn bọn mình không về sớm, cũng không đi QL1A (QL chán pà kố, lại nhiều xe dù gần) mà sẽ chọn lộ trình vòng vo, điên rồ như hồi đi. Vậy nhưng cung về khởi hành lại khá sớm, chỉ tầm 5h là hành lý đầy đủ trên xe, trả phòng và go!

< Những nơi chưa đến được như Mũi Yến Hồng Chính, mỏm đá Tannobi, vực đá đỏ ở đồi cát Trinh Nữ, vực đá đỏ Bồng Lai Tiên cảnh... bao giờ sẽ nằm gọn trong tầm mắt, mình cũng chả biết.

< Lờ mờ những màn sương mỏng khi mình ngoáy nhìn lại nơi chốn đã rời xa...

Chuyện giấy tờ "hành chính" thường khó nhanh chóng được, vậy nên đi sớm để tránh cái sự "quá giờ làm việc" khi đóng phạt ở Gia Ray, phải chờ đến đầu giờ chiều thì phí cả thời gian và sức lực.
< TL706B nhấp nhô theo những triền đồi. Nếu không có sự kiện nhật thực toàn phần ngày 24.10.1995 thì dám chừng đến bây giờ: Mũi Né vẫn còn hoang vu...

Sáng sớm trên con đường "xa lộ" thênh thang (TL706B) thật tuyệt: rất vắng xe, hai bên lề rộng rãi có vài nhóm người chạy thể dục buổi sáng. Con đường trông dài như bất tận với những bồn hoa, lề lót gạch trắng vàng... chạy vòng vèo lên rồi xuống dốc. Mé phải đường cũng là những đồi cát hoang sơ không dấu chân người, quyến rũ khó tả đối với hai cái bụng phượt dẫu rằng đang đói. Chạy mà đầu cứ nhớ về những năm xưa, trước 1990 thì vào đây được chỉ có nước chạy xe Jeep gồng ga qua đồi cát và bụi rậm...

< Qua cầu Phú Hài và cầu Ké, bọn mình vào thị tứ Phan Thiết: một xứ biển phát triển mạnh, sầm uất nhưng cũng thật an bình.

Ghé vào một quan ven đường gần cầu Phú Hài, gọi cơm sườn ra rồi mới hay mình sai lầm! Giá thì không mắc nhưng từ "ngon" lại hoàn toàn xa lạ với những gì họ dọn ra. Vậy nên lùa vài miếng cho có lệ, nhấp ngụm cà phê pha từ "chai cốt" rồi xị mặt, trả tiền và cất cánh - kinh nghiệm cho lần sau không bao giờ tái ngộ cho dù có... miễn phí đi chăng nữa.

< Qua đường Trần Hưng Đạo, Trần Qúy Cáp...

< ... rồi vượt cầu Ông Nhiễu...

< Trước khi đến bùng binh phía Tây Phan Thiết thì bọn mình gặp kiến trúc Ả Rập này. Đây là Khu vui chơi & Giải trí Suối Cát. Khu giải trí có diện tích trên 33ha, được bao bọc dọc theo Sông Cát, tọa lạc ngay cửa ngõ vào TP. Phan Thiết, cách bãi biển Tiến Thành 5 phút xe chạy và bãi biển Mũi Né 15km.

< Còn đây là bùng binh với đường ngang QL1A: quẹo phải thì... đi bụi tiếp còn rẽ trái sẽ "hướng về Sài gòn".

Khu vui chơi này ngày cuối tuần hay lễ thu hút rất đông người dân Phan Thiết. Các gian hàng ẩm thực biển, sân khấu ca múa nhạc ngoài trời cũng như phòng trà Romantic, cà phê ma và dịch vụ thám hiểm 18 tầng địa ngục, khu vui chơi thiếu nhi, khu trò chơi cảm giác mạnh… thường phục vụ hết công suất để đáp ứng nhu cầu của khách tham quan.

< Con đường "xương sống" của nước mình đây: QL1A...

< Thi thoảng lại gặp những cây phượng đỏ rực ven đường báo hiệu mùa hè, mùa của du lịch...

< Trạm thu phí Sông Phan, vậy là sắp vào thị trấn Thuận Nam. E ấp sau trạm là một ngọn núi lớn...
< ... mà chắc bạn nhận ra ngay: núi Tà Cú đó mà. Ảnh là ngã 3 đường vào núi Tà Cú.

Núi Tà Cú cao 649 m, nằm ven Quốc lộ 1A, thuộc thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam, cách Phan Thiết 28 km về phía Nam là một thắng cảnh và là một điểm leo núi của tỉnh Bình Thuận. Nhiệt độ trung bình trên núi  từ 18 đến 22°C.

Để lên tới đỉnh ngọn núi nằm trong khu rừng cấm, du khách có thể cần 2 giờ để vượt qua 2.290 m đường dốc. Bằng Lăng là đoạn dốc cao nhất, nghiêng 45°. Hoặc du khách có thể ngồi mươi phút trong cabin "bay" theo đoạn dây cáp dài 1.600 m ở độ cao 500m, ngắm nhìn khu rừng xanh bao la.

< Ngọn núi nhỏ khác, bên cạnh là chùa Phụng Sơn.

Nằm ở độ cao 563 m (chưa tới đỉnh Tà Cú) là hai ngôi chùa: chùa Trên (Linh Sơn Trường Thọ) và chùa Dưới (Long Đoàn), cùng bậc thang đá cao và những ngọn tháp. Ở đây có bức tượng Phật Thích Ca nằm, làm bằng bê tông, quét vôi trắng dài 49 m.

< QL1A dù là con đường xương sống, ngắn nhất để về Sài Gòn nhưng bọn mình không thích đi. Nói đơn giản là nó không phải là con đường du lịch, không có cảnh đẹp... chỉ có cái thuận tiện.

< Ngã 3 Tân Nghĩa đây: nếu quẹo vào đó là đi La Gi theo QL55, đi QL nhanh và ngắn thật!

< Địa giới hành chính tỉnh Đồng Nai, bây giờ phải cẩn thận chuyện tốc độ để không bị "bắn" thêm lần nữa! Nói vui thôi chứ trên QL: trước nay mình không bao giờ vượt 60km dù đường vắng teo.

< Ngã 3 Núi Le của Gia Ray. Hồi mình nhận biên bản phạt thì biết nơi đóng phạt gần ngã 3, nhưng không phải ở đây mà là ngã 3 Ông Đồn, cách nơi này chừng 3km.

< Đầy những bảng "Tuyến đường thường xuyên kiểm tra tốc độ các loại xe". Trước kia, đi openbus đến khúc Đồng Nai thì các xe thường "bò" chậm kinh khủng. Mà mình cũng đang "bò" dưới 40 do vào khu dân cư.

< Rồi cũng đến nơi "đóng hụi chết", trước khi tới, bọn mình cũng chạy qua Kho bạc - có lẽ đóng tiền tại đấy. 

Trước cơ quan CA có bảng "Cấm chộp ảnh" nên bà xã bắn một phát ơ xa rồi cất máy vào, tránh chuyện lộn xộn không đáng có. Vậy nhưng anh chàng gác cổng vẫn ngó chăm chăm...

Vào nộp biên bản phạt và chờ giữa rừng người vi phạm. Mẹc ơi: vi phạm cho lắm - "của" vào kho sẽ đều đều đây.

< Y như dự đoán: nhận quyết định xử lý rồi thì qua kho bạc đóng phạt. Vừa ra khỏi cửa phòng thì cò già cò trẻ túm lại ngay: "Đưa ông già đàng kia đi đóng, đóng xong mới trả $, chỉ thêm 20k thôi nhưng sẽ nhanh".

Mình từ chối và tự đi. Chuyện "tự đi đóng này khiến mình mất thêm 20 phút chờ đợi bên kho bạc dù chả có ai ngoài "cò". Chuyện tự nhiên là phải thế, vậy nhưng rồi cũng xong! Có lẽ không bao giờ có ngày tái ngộ nơi này, he he...

< Một nhánh rẽ trái đi Sông Ray, nhìn lại nhớ chuyến đi thác thác Hòa Bình (thác Sông Ray) quá.

< Đến thị xã Long Khánh vào lúc 11h18 phút, bọn mình vào đây dùng bữa trưa tại một quán cơm văn phòng. Ngon, giá chỉ 20k/dĩa kèm canh, trà đá.

Chạy vào chợ định mua chôm chôm nhưng giá không rẻ do đầu mùa. Thôi thì cứ "tậu" ở thành phố cho khỏi cảnh chở nặng.

< Tái ngộ dốc "Mẹ Bồng Con". Sau này mới biết đoạn Cẩm Đường không còn khiếp như lúc trước: vậy là sẽ ít dịp đi ngõ Ngã 3 Dầu Giây trong những chuyến phượt sau.

< Lối cũ về Bình Sơn...

Tính ra, chuyến đi "cày đường" chỉ mất 3 ngày rưỡi (keo kiết quá). Lộ trình từ Cát Lái - Nhơn Trạch - QL51 - Long Thành - Bình Sơn - Dầu Giây - Long Khánh - Gia Ray - Võ Đắc - Đức Tài - Võ Xu - Lạc Tánh - Tà Pao - La Ngâu - Đa Mi - Lộc Nam - Lộc Thành - Bảo Lộc - Liên Đầm - Di Linh - Gia Bắc - Phan Thiết - Mũi Né... và từ đó trở về Sài Gòn.
< ... qua những rừng cao su tuyệt đẹp.

Đây là một trong những chuyến mà mình "nuốt đường" nhiều, xúi quẩy và may mắn cũng lắm nhưng vẫn bình an về nhà. Tổng chi phí chuyến đi chừng 2T tính cả đóng phạt, vỏ ruột xe, xăng cộ, ăn uống ngủ nghỉ...
Xem ra cũng bèo phải không bạn?

Về nhà vui và đối đầu khối trục trặc máy tính nên post bài chậm, vậy nhưng lại bắt đầu lui cui tính lộ trình chuyến sau - Lỡ dính bệnh lãng du, lỡ dại dột ham phượt nên cuộc đời khổ vậy đó, hi hi...
Hết
Điền Gia Dũng - Du lịch, GO!

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 cuối

Link to full article

1 nhận xét:

Bài đăng phổ biến