Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2012

Rạch Gầm soi dấu muôn đời oai linh

Quốc lộ 1 đến ngã ba Trung Lương thì rẽ làm hai, đi thẳng là vào thành phố Mỹ Tho còn rẽ phải là đi tiếp quốc lộ 1 để đến Vĩnh Long, Cần Thơ.

Từ đoạn này trở đi, quốc lộ 1 đi gần song song với sông Tiền, nhưng cách một đoạn khá xa. Nếu bạn đi thẳng vào Mỹ Tho, theo trục đường chính (đường Ấp Bắc - Nguyễn Trãi) rồi đến cuối đường bạn sẽ rẽ phải theo đường Lê thị Hồng Gấm. Con đường này đi cặp theo dòng sông Tiền. Ra khỏi thành phố Mỹ Tho, con đường trở thành tỉnh lộ 864. Đi 14 km, bạn sẽ đến đây:


Phía trước mặt, cách vài trăm mét, có một chiếc cầu mang tên cầu Rạch Gầm, bắc ngang con Rạch Gầm, bên trái là khu Di tích Rạch Gầm - Xoài Mút. Đây chính là nơi cách đây 227 năm (năm 1785) đã diễn ra trận thủy chiến lừng danh trong lịch sử Việt Nam: Trận Rạch Gầm - Xoài Mút.


Tháng 7/1784, mượn cớ giúp Nguyễn Ánh chống Tây Sơn, khoảng 50.000 quân Xiêm và hơn 300 chiến thuyền do Chiêu Tăng, Chiêu Sương, Sa Uyển, Chiêu Chuỳ Biện chỉ huy cùng 3.000 đến 4.000 quân Nguyễn Ánh theo 2 đường thuỷ bộ tiến vào Kiên Giang. 

Cuối năm 1784, quân Xiêm - Nguyễn chiếm được một số vùng đất phía Tây Gia Định, đóng quân ở căn cứ Trà Tân (nay thuộc tỉnh Tiền Giang) để chuẩn bị đánh thành Mỹ Tho và Gia Định. Tháng 1/1785, Nguyễn Huệ đưa 20.000 quân thuỷ bộ từ Quy Nhơn vào Gia Định. 

Không chủ trương phòng thủ Gia Định đang bị uy hiếp, Nguyễn Huệ đưa quân lên Mỹ Tho quyết chiến với quân Xiêm. Trong những ngày đầu, Nguyễn Huệ dùng lực lượng nhỏ thăm dò, nghi binh, cử người mang của cải cầu hoà với Chiêu Tăng nhằm tạo sự chủ quan, gây chia rẽ nội bộ và dụ quân Xiêm - Nguyễn sớm tiến đánh Mỹ Tho. Đoạn sông Mỹ Tho từ Rạch Gầm đến Xoài Mút (khoảng 6-7 km) được chọn làm nơi quyết chiến. Rạng sáng ngày 19/1/1785, Chiêu Tăng chỉ huy toàn bộ lực lượng theo đường thuỷ, đẩy quân Nguyễn đi trước, tiến đánh thành Mỹ Tho. Khi hầu hết thuyền quân Xiêm - Nguyễn lọt vào trận địa phục kích tại Rạch Gầm - Xoài Mút, quân Tây Sơn dùng pháo đặt trên thuyền, trên bờ và cù lao Thới Sơn bắn áp đảo, đồng thời thuỷ binh từ các nhánh sông tiến ra và từ Mỹ Tho kéo lên chặn đầu, khoá đuôi, đánh tạt sườn. Bộ binh Tây Sơn đón lõng diệt tàn quân chốn chạy trên bờ. Kết quả toàn bộ chiến thuyền và phần lớn quân Xiêm - Nguyễn bị diệt. Chiêu Tăng, Chiêu Sương cùng vài nghìn quân sống sót mở đường máu rút về Xiêm. Nguyễn Ánh ở phía sau vội quay lại lui trốn sang Xiêm. Chỉ một trận quyết chiến chiến lược, Nguyễn Huệ đã đập tan ý đồ bán nước của Nguyễn Ánh cùng âm mưu xâm lược của quân Xiêm

Trận Rạch Gầm - Xoài Mút là một trong những trận thủy chiến lớn nhất và lừng lẫy nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta.
Trận đánh diễn ra trên một đoạn sông Mỹ Tho vào lúc trời còn chưa sáng, ánh lửa đom đóm còn lập lòe trên những cây bần ven sông nhô ra mặt nước như một câu ca dao dân gian đã diễn tả:

Bần gie lửa đóm sáng ngời, 
Rạch Gầm soi dấu muôn đời uy linh

Và trận đánh kết thúc rất nhanh chóng trong ngày hôm đó, ngày 19 tháng 1 năm 1785. Chỉ trong khoảng một ngày, khoảng 2 vạn quân Tây Sơn đã giao chiến và đánh tan tành hơn 5 vạn quân Xiêm - Nguyễn, tiêu diệt gần 4 vạn quân Xiêm và hàng nghìn quân Nguyễn.

Đoạn sông yên ả này là nơi hơn hai trăm năm trước đã diễn ra trận thủy chiến kinh hoàng

Khu di tích Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút tọa lạc tại ấp Đông, xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, nằm dọc bờ sông Tiền, ngay mặt tiền tỉnh lộ 864, cách Mỹ Tho khoảng 14 km về phía tây. Khởi công từ năm 2001, di tích đã được đưa vào sử dụng vào ngày 20 tháng 01 năm 2005 nhân kỷ niệm 220 năm ngày chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút. Đây là một khu di tích đẹp, thoáng mát, thơ mộng, nằm cạnh bờ sông xen giữa khu vườn cây ăn trái.


Khu di tích gây ấn tượng ngay từ bên ngoài bởi tường rào bao bọc xung quanh, được cách điệu bằng hình những chiếc thuyền nhấp nhô trên sóng, gợi nhớ lại trận thủy chiến oai hùng thuở trước.

Tượng đài anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ nằm ngay trung tâm của di tích. Tượng làm bằng đồng màu nặng 20 tấn, cao hơn 08m, được đặt trên bệ cao mô phỏng hình chiến thuyền do nhà điêu khắc Nguyễn Hải thực hiện. Vòng ngoài nhà trưng bày (dưới chân tượng) là dãy phù điêu bằng đồng bao bọc xung quanh, cao 70cm, diện tích 90m2 , nặng khoảng 6 tấn. Hoa văn trên dãy phù điêu chạm khắc hình người và chim lạc được tác giả cách điệu từ mặt trống đồng. Độ sâu của hoa văn từ 10 12cm. Trên vách bên trong nhà trưng bày là dãy tranh ghép gốm màu như ở công trình Bến Dược Củ Chi gồm 4 chương: khẩn hoang, lập ấp, trận thủy chiến và khải hoàn.



Bên trong nhà trưng bày có trên 500 hiện vật liên quan đến trận chiến Rạch Gầm - Xoài Mút, được sưu tầm trong một thời gian dài. Trong đó đa số là vũ khí: gươm, súng thần công..., ngoài ra còn các vật dụng như tô, chén của cả quân Tây Sơn và quân Xiêm.


Trong khuôn viên khu di tích còn có một ngôi nhà cổ Nam bộ. Đây là nơi bạn có thể đến để trước là tham quan nhà cổ, sau là nghe người hướng dẫn thuyết minh về trận chiến hào hùng năm xưa và về khu di tích hôm nay.


Rời khu di tích, bạn có thể đi tiếp theo tỉnh lộ 864 rồi sau đó rẽ phải theo tỉnh lộ 868 để trở ra quốc lộ 1 tại Cai Lậy. Đi theo con đường này sẽ dài hơn khoảng 7 km so với đi thẳng quốc lộ 1 mà không vào Mỹ Tho, nhưng nếu một dịp nào đó có thời gian thì trên đường đến miền Tây bạn hãy ghé thăm nơi này để sống lại cùng một chiến công hào hùng của dân tôc.

Link to full article

1 nhận xét:

Bài đăng phổ biến