Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2012

Theo chân các ngọn núi lửa Việt Nam

Các nhà khoa học trong và ngoài nước từ lâu đã chứng minh dọc dài nước Việt Nam, đặc biệt ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên, núi lửa từng hoạt động dữ dội.

Trong nhiều đợt, ở nhiều giai đoạn khác nhau. Nhiều tài liệu khoa học chính thống, cả trong tâm thức của đồng bào bản địa, đều có sự hiện diện của cái gọi là núi lửa.

Tuy nhiên, dường như việc nghiên cứu, tìm hiểu, quảng bá các kỳ quan dính dáng đến núi lửa (đang ngủ) ở nước ta vẫn còn là miền đất... bỏ trống. Trong khi những miệng núi lửa ở Tây Nguyên đẹp đến bàng hoàng, các thành tạo của dòng dung nham tuôn trào từ thượng cổ đều xứng danh là những thắng cảnh tuyệt mỹ của quốc gia.

Ở Tây Nguyên, Pleiku là thành phố nằm bên 15 ngọn núi lửa, có ngọn núi tên là Núi Lửa, có dòng Núi Hoa do nham thạch cháy bỏng tuôn ra giữa đất trời lộng lẫy như hoa, có Biển Hồ đẹp kỳ bí là những miệng núi lửa âm.

< Đứng ở mỗi góc trong khu vực Pleiku, ta đều nhìn thấy núi lửa Hàm Rồng có một hình dạng khác nhau. Có khi là hình thang (chóp nón cụt), có khi là hình tròn như phần bụng của lọ lục bình ai đó chôn một nửa dưới lòng đất.

Đắc Lắc có thác Gia Long đẹp đến nỗi ông Bảo Đại phải đem tên “tổ phụ” mình ra để đặt tên cho con nước ào lên giữa chất ngất các cột bazan núi lửa đã đông kết từ hàng triệu năm trước.

Rồi thắng cảnh quốc gia Ghềnh đá đĩa, vùng badan dạng cột Ba Làng An (Quảng Ngãi), năm miệng núi lửa khổng lồ ngoài đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), các ngọn thác nổi tiếng Dray Soap, Trinh Nữ... tất cả đều là những thành tạo do núi lửa.

< Leo lên tòa nhà 12 tầng của Hoàng Anh Gia Lai, cao nhất Pleiku, thì Hàm Rồng mờ ảo trong sương khói với cái miệng phễu chảy dung nham chảy dài ra góc phải của ảnh (ảnh trên); nhưng đứng dưới quốc lộ phóng tầm mắt ngước lên thì Hàm Rồng sừng sững, mỗi ngôi nhà chỉ như cọng lá dưới chân nó.

Ở cửa ngõ quốc lộ chạy từ Buôn Ma Thuột sang Gia Lai, thành phố cao nguyên Pleiku đón chào bạn bằng núi Hàm Rồng với vàng rực hoa cúc quỳ. Từ điểm nhìn đó, bạn sẽ thấy rõ núi Hàm Rồng được tách làm đôi để hõm giữa cho dòng nham thạch phá vỡ miệng phễu tròn chảy ra, hình thành nên các vùng đất badan màu mỡ...

Núi Hàm Rồng (còn gọi là núi Chư Hơ Đông, núi Hòn Rồng) là miệng núi lửa nổi tiếng nhất Tây nguyên bởi nó cao hơn 1.000m so với mực nước biển, là đỉnh cao nhất khu vực Pleiku với cái miệng tròn xoe hình phễu khổng lồ. Bởi nữa: Hàm Rồng mang đầy đủ những đặc tính tiêu biểu của một miệng núi lửa dương (nổi trên mặt đất - để so sánh với các miệng núi lửa âm lõm sâu dưới lòng đất, thường là các lòng hồ, như Biển Hồ chẳng hạn).

Tôi và PGS.TSKH Trịnh Dánh, đoàn làm phim khoa học của VTV2 (Truyền hình Việt Nam) đã bỏ mấy ngày trời để đi... vòng quanh Hàm Rồng, thưởng thức các điểm ngoạn mục nhất của ngọn núi lửa này. Ông Dánh, nguyên là giám đốc Bảo tàng địa chất Việt Nam, người nổi tiếng với đề tài cấp quốc gia về các công viên địa chất, khu bảo tồn địa chất đặc biệt của Việt Nam (trong đó nhấn mạnh đến các kỳ quan núi lửa), người đã lăn lộn tìm hiểu về địa chất khu vực Tây nguyên từ sau năm 1975.

Khi núi lửa hoạt động, nham thạch “bức bối” phá tung bề mặt quả đất ra, hình thành nên cái lỗ rất tròn rồi từ đó phun ra. Với các miệng núi lửa dương, núi nhô lên mặt đất, nhưng lòng núi rỗng, hõm sâu xuống, hình thành nên những miệng phễu phía trong quả núi (miệng núi lửa) đang nhô lên. Miệng phễu hướng thẳng lên trời. Vì thế, ví dụ núi Hàm Rồng trông xa có hình dạng như hình thang, thật ra nó là hình chóp nón cụt mất phần ngọn. Điểm cụt của chóp nón đó chính là miệng phễu khổng lồ để dung nham tuôn ra...

Để hình dung được điều này, chúng ta lại phải vượt 30km về núi Chư Đăng Ya (huyện Chư Pả, tỉnh Gia Lai).
Đứng phía dưới núi Chư Đăng Ya (tiếng địa phương là ngọn núi có nhiều củ gừng mọc tự nhiên), núi rất tròn. Nhưng khi leo nửa ngày lên đến đỉnh, miệng núi sẽ mở ra một thung lũng tương đối lớn, bốn bề vách núi vuốt ngược lên, bạn nằm trong một cái lòng chảo tuyệt đẹp, cây lương thực do bà con xung quanh trồng vàng ươm, xanh ngát.

Nhưng thật ra không hẳn như thế, miệng núi tròn, rỗng trong bụng như cái lòng bát loa, song nó có một đường rãnh để thoát nước. Đó cũng chính là con đường để dung nham tuôn ra từ triệu năm trước, giống như một bát cháo nóng đã bị nghiêng rồi vỡ một góc miệng bát cho cháo chảy ra, hình thành các cánh đồng màu mỡ dưới kia.

Trong cái nắng vàng ươm mà chói gắt, chúng tôi leo lên đỉnh Chư Đăng Ya. Ở trên cao, nhìn nơi dòng dung nham thiêu đốt thế gian từng phun ra, rõ ràng là một lòng chảo.

< Bà con từ dưới Phù Cát, Bình Định lên đây làm ăn, vì đất trong bụng núi lửa cực kỳ màu mỡ, cảm giác một vài trận mưa to nước sẽ tràn lên, lập tức miệng núi lửa Chư Đăng Ya biến thành một cái bát loa chứa nước tròn xoe.

Cũng khỏi phải bàn, khó có nơi nào màu mỡ đến thế, khó có nơi nào mà luống khoai luống đỗ của bà con lại dựng lên giữa những thành quách thẳng đứng như thế này. Chú em quay phim từ Hà Nội vào cứ nhảy cẫng lên khi dùng ống kính góc rộng, “ăn” cảnh toàn (bao quát) tất cả cái chảo gang khổng lồ mang tên miệng núi lửa tròn xoe.

< PGS Trịnh Dánh “dẫn chương trình” về núi lửa ngay trước “cửa thoát” của dòng dung nham, nơi ngọn núi bị xẻ làm hai phần hình tròn phía sau ảnh.

Chúng tôi đã đi rất nhiều khu vực núi lửa, không hiểu sao trong lòng núi lửa thường xuyên không có nắng, bóng râm cứ phủ vào đó một sắc màu bí ẩn. Vì thế ruộng rẫy của bà con “lên màu” rất dịu dàng.

Ngồi mệt, lại lăn lóc cạnh những quả bom núi lửa tròn vo rất ngộ nghĩnh, cứ như có người khổng lồ nào đó đã nặn những viên bi lớn mà chưa kịp bỏ vào lò nung.

Ở Bảo tàng Địa chất Việt Nam (Hà Nội), PGS Trịnh Dánh và các đồng nghiệp đã sưu tầm được rất nhiều quả bom núi lửa mang về trưng bày. Khi khối dung nham nổ long trời lở đất túa ra không gian, nó bay tít trên chín tầng mây.

Chịu một lực xoáy từ trong “tâm chấn” nên xoáy như viên đạn AK bắn ra khỏi nòng. Bây giờ rỡ đất đá ở miệng núi lửa ra, ông Dánh vẫn phát hiện các quả bom nhỏ găm trong khối nham thạch, như hạt lạc hình xoắn nằm trong nong bánh đúc đã triệu năm ròng.

< Bức ảnh này chứa đựng chân lý của Biển Hồ “tròn”, chúng tôi có được sau khi đi gõ cửa một số nhà cao tầng trong khu vực để leo lên... ngắm cảnh, chụp ảnh nhờ.

Đặc biệt, văn liệu của người Pháp xưa kia, cũng như chuyên gia địa chất Việt Nam gần đây, đều cho biết núi lửa Hàm Rồng là miệng dương, còn Biển Hồ là miệng âm của bốn ngọn núi lửa. Nếu nhấc núi Hàm Rồng đặt vào biển Hồ thì nó vừa... khít. Ở Việt Nam chưa có hồ tự nhiên nào mà lại tròn đến thế.

< Trong chiến tranh, nhiều máy bay đã vĩnh viễn nằm dưới bụng nước Biển Hồ, nước không bao giờ cạn, không bao giờ đầy, các thành vách xung quanh Biển Hồ rất tròn, rất cong đều, giống hệt cái “thành bát” của một “bát nước” (Biển Hồ) mà chúng ta mới chỉ “chan canh” lưng lưng...

< Biển Hồ Tây nguyên nhìn từ vệ tinh.

Rất tiếc ở khu vực không có điểm cao để chụp được những miệng núi lửa tròn xoe của Biển Hồ một cách “xúc cảm” hơn, nhưng đúng là nó rất tròn.

Ông Dánh tin nếu tát nước đi, Biển Hồ sẽ tròn bốn bề như “lòng chảo” Chư Đăng Ya, chỉ có điều cái miệng âm của nó sẽ là hun hút vô tận vào tít trong lòng đất (với các miệng dương, vì nhô lên mặt đất, nên trong quá trình phun trào nó đã gãy thành hình chóp nón cụt).

Du lịch, GO! - Theo Tuoitre, internet

Link to full article

1 nhận xét:

Bài đăng phổ biến